Chia sẻ cách thực hành nhiếp ảnh của 5 nhiếp ảnh gia để anh em học hỏi và áp dụng
11:11 | 09/10/2019 Lượt xem: 1420
Có tiêu chuẩn nhất định nào khi tạo ra hình ảnh không? Làm thế nào để chụp và trình bày một tác phẩm hoàn chỉnh? Và ta có nên để việc chọn chủ đề diễn ra một cách tự nhiên? Đó là những câu hỏi mà giảng viên và giám tuyển Sasha Wolf phỏng vấn 40 nhiếp ảnh gia về công việc của họ. Sau đây là 5 đoạn trích ra từ cuốn sách PhotoWork: Forty Photographers on Process and Practice mà cô đã thực hiện. Anh em đọc tham khảo xem có tương đương với cách thực hành của mình không?
Robert Adams
Robert Adams sinh ra ở Orange, New Jersey vào năm 1937, là một trong những nhiếp ảnh gia đáng để chúng ta kính trọng. Ông được biết đến qua những tấm ảnh phong cảnh và tích cực bảo vệ môi trường.
Robert Adams, Astoria, Oregon, 2013 © Robert Benjamin
Những cuốn sách ông viết về nhiếp ảnh đem lại nhiều giá trị lớn: From the Missouri West - Từ miền Tây Missouri (Aperture 1980/Steidl 2016), Why People Photograph: Selected Essays and Reviews - Tại sao mọi người chụp ảnh - những tiểu luận và đánh giá tuyển chọn (Aperture, 1994) và Summer Nights, Walking - Những đêm hè và đi dạo (Aperture và Yale University Art Gallery, 2009). Hiện ông đang sống ở Oregon.
Chiếc máy ảnh đầu tiên sử dụng: Miranda 35mm SLR
Đối với ông, điều gì đến trước: ý tưởng cho dự án hay những tấm ảnh đơn khơi gợi nên một ý niệm?
Xây dựng ý tưởng cho dự án rồi sau đó đi chụp ảnh không phải là cách tôi chọn. Hầu hết những cuốn sách đã từng xuất bản của tôi bắt đầu từ việc đi dạo và chụp, không hề có kế hoạch nào trước đó.
Những yếu tố thiết yếu mà ông đặt ra khi tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh (những bình luận từ xã hội, hình thức, kết nối cá nhân, những tham khảo hình ảnh...)?
Tất cả những yếu tố đó đều quan trọng nhưng chủ yếu tôi cần phải yêu những gì mình nhìn thấy.
Ông có cái mà người ta gọi là "phong cách nhiếp ảnh" không?
Tôi không có, trừ khi việc tôn trọng cũng được coi là một phong cách. Mục tiêu của tôi không phải là tạo nên một tuyên ngôn thời trang hay một cơ hội đầu tư.
Nebraska State Highway 2. Box Butte County, Nebraska, 1978 © Robert Adams, courtesy Fraenkel Gallery, San Francisco
Vậy phong cách của ông là dựa vào trực giác hay là công thức của trí tuệ?
Công sức mà chúng ta bỏ ra xứng đáng để tạo ra những bức ảnh có giá trị, để lại dư âm, điều mà Dorothea Lange gọi là "những người quan sát thứ hai". Chúng ta không nói về việc theo đuổi sự nghiệp vì danh tiếng, tiền bạc hay sự công nhận và đại diện từ các gallery.
Tuy nói vậy, nhiếp ảnh gia vẫn phải ăn để sống, và tôi hoàn toàn thông cảm với những ai phải đương đầu với khó khăn. Đây là nước Mỹ mà.
Khi nào thì ông biết mình hoàn thành chỉn chu một tác phẩm?
Tôi không bao giờ chắc chắn hoàn toàn, nhưng tới một thời điểm, mọi thứ có vẻ như đã được khám phá, hoàn thiện. Những khía cạnh phức tạp đã được hoàn chỉnh.
Ông đã bao giờ có một dự án được tạo ra trong quá trình biên tập chưa?
Chưa từng. Nhưng chắc chắn rằng bạn không thể tạo ra một tác phẩm tốt nếu biên tập kém. Biên tập ảnh cũng khó như khi chụp ảnh vậy. Không có hai bức ảnh nào mà chất lượng giống nhau. Thứ tự của chúng không thể được quyết định bởi quy tắc.
Thêm vào đó, sẽ luôn có khó khăn khi phải quyết định có nên cho một tấm ảnh nào đó vào không. Nó có phù hợp với chủ đề không? Vấn đề nằm ở việc bạn phải giải phóng bản thân khỏi những kỉ niệm và cảm xúc nảy sinh khi bạn bấm máy.
Nó cũng giống với sự đấu tranh các nhà văn phải đối mặt mà Flannery O'Connor chia sẻ: "Nhà văn phải đánh giá bản thân anh ta với con mắt và sự dò xét từ góc nhìn của người lạ."
Nhiếp ảnh của ông có được phân loại thành một thể loại nhất định nào không? Néu có, ông định nghĩa các hạng mục đó như thế nào?
Thể loại chỉ đúng và hữu dụng đối với các nhà giám tuyển và sử gia. Đối với nghệ sĩ, đó như chiếc lồng giam cầm.
Có bao giờ ông xem lại một series đã từng triển lãm hoặc công bố rồi biên tập lại?
Có chứ. Với sự giúp đỡ của nhiều người tốt bụng, tôi đã biên tập lại và tái công bố một số cuốn sách. Những bản đầu tiên tôi không có nhiều kinh phí và in bằng những công nghệ in đã lỗi thời. Tôi cũng đã loại bỏ một số bức ảnh tốt và cho vào những tấm còn yếu.
Ông có sáng tạo với sự trình bày, sắp xếp sẵn trong tâm trí, giống như ở phòng tranh hay trong một quyển sách?
Tôi chưa bao giờ phải đấu tranh khi chụp một bức ảnh và cũng không phải lo lắng nên cho nó vào chiếc khuôn trông thế nào.
Tôi cam kết bản thân mình với những vấn đề nghiêm túc, thậm chí kể cả khi nó chỉ nói lên một vấn đề nằm sau câu hỏi đã được đặt ra? Flannery O'Connor chỉ sống tới năm 39 tuổi nhưng lời khuyên của cô ấy thật sáng rõ: "Hãy sợ hãi đúng cách và hãy lãm những gì bạn phải làm."
Rinko Kawauchi
© Arnoldas Kubilius
Rinko Kawauchi sinh ra ở Shiga, Nhật Bản vào năm 1972. Với sự ra mắt của 3 cuốn sách vào năm 2001 Utatane, Hanabi, và Hanako (quyển cuối cùng dựa trên một bộ phim tài liệu cùng tên nói về cuộc đời của một phụ nữ trẻ người Nhật sống với căn bệnh tự kỉ), Kawauchi đã cho thấy sự nhạy cảm về nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại: đầy nội hàm, trừu tượng nhưng ẩn sâu trong đó là quan sát và cảm xúc của riêng cô.
Cuốn sách gần nhất đây mà cô ra mắt là Halo (Aperture, 2017). Hiện cô đang sống và làm việc tại Tokyo.
Chiếc máy ảnh đầu tiên cô sử dụng: Canon F-1
Đối với cô, điều gì đến trước: ý tưởng cho dự án hay những tấm ảnh đơn khơi gợi nên một ý niệm?
Hầu như những bức ảnh của tôi là khởi đầu cho một ý niệm nào đó. Trong những tác phẩm trước đây, tôi chọn những tấm hình mà tôi đã chụp và tích luỹ sau nhiều năm - tôi luôn nghĩ về cách lên cấu trúc cho những trang sách.
Để tổng hợp những tấm ảnh đơn thành một thể hoàn chỉnh, tôi phải đi chụp thêm để tạo ra sự tưởng tượng mà tôi muốn lột tả. Đối với cuốn Halo, tôi cảm thấy mình đã đạt được giá trị thẩm mỹ mong muốn bằng cách hợp nhất những bức ảnh tôi chụp cho các dự án khác nhau - kết hợp các series thành cuốn sách.
Những yếu tố thiết yếu mà cô đặt ra khi tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh?
Trước tiên, tác phẩm đó phải có kết nối trực tiếp với cá nhân tôi - là tiềm thức của bản thân mình. Từ đó, tôi hi vọng rằng nó sẽ để lại dư âm với người khác và với xã hội.
Ý tưởng cho tác phẩm có quan trọng đối với cô không? Nó có chức năng gì trong mối quan hệ với việc tạo nên các tấm ảnh đơn tốt?
Mỗi tấm ảnh đơn giống như một tế bào hoặc một giọng nói; tôi nghĩ rằng một tác phẩm được sống khi những yếu tố đơn lẻ kết hợp và cộng hưởng với nhau.
Cô có cái mà người ta gọi là "phong cách nhiếp ảnh" không?
Có lẽ là có. Tôi không chắc chắn lắm. Tôi luôn muốn thưởng thức cách mà mình có thể sáng tạo và miêu tả mọi thứ theo cách hoàn toàn độc nhất đối với bản thân mình. Đó là quá trình tạo nên phong cách nhiếp ảnh của tôi.
Vậy phong cách của cô là dựa vào trực giác hay là công thức của trí tuệ?
Tôi nghĩ rằng phong cách của mình phần nhiều dựa vào trực giác.
Không đề, từ Cui Cui, 2005 © Rinko Kawauchi
Giả sử rằng cô chụp dựa vào tiếng nói tự nhiên xuất phát từ bản thân, đã bao giờ cô ước rằng giọng nói đó đổi khác đi?
Không nhất thiết, nhưng cũng có những lần khi thực hiện các tác phẩm mới, tôi cảm giác rằng mình muốn tiếp cận sự việc bằng một góc nhìn khác.
Khi nào thì cô biết mình hoàn thành chỉn chu một tác phẩm?
Khi cuộc đối thoại giữa tôi và tác phẩm đi tới một kết luận.
Cô đã bao giờ có một dự án được tạo ra trong quá trình biên tập chưa?
Có chứ - một thế giới mới được tạo ra khi sắp xếp các bức ảnh từ nhiều chủ đề khác nhau. Diện mạo tổng thể của một dự án có thể được diễn tả dưới nhiều cách, dựa vào cách người đó sắp xếp những chất liệu này. Quá trình biên tập rất quan trọng.
Việc này cũng rất giải trí, đó là khi có những yếu tố tôi chưa nhận thấy khi chụp, bỗng xuất hiện.
Cô có sáng tạo với sự trình bày, sắp xếp sẵn trong tâm trí, giống như ở phòng tranh hay trong một quyển sách?
Tôi thường làm vậy. Nhiều tác phẩm trước đây của tôi được tạo ra với sự hình dung trước về một cuốn sách, nhưng những dự án gần đây như Ametsuchi (2013) và Halo, ý tưởng về việc trưng bày chúng trong triển lãm xuất hiện trước.
Có những lần tôi được yêu cầu giới hạn lại những thiết bị chụp ảnh, nhưng kể cả khi ý tưởng về cách trình bày ảnh trong triển lãm đã được tiên đoán trước, nó cũng không ảnh hưởng nhiều tới quá trình sáng tạo của tôi.
Justine Kurland
Justine trên mái nhà, 2018 © Naima Green
Justine Kurland sinh năm 1969 tại Warsaw, New York. Năm 1998, với tấm bằng thạc sĩ mỹ thuật từ Yale School of Art, cô lái xe khắp nước Mỹ, thực hiện series ảnh về các cô gái tuổi vị thành niên ở các vùng quê, trông họ như đang đi lang thang khắp nơi. Những bức ảnh này đã thiết lập nên một phong cách nhiếp ảnh - nửa thực, nửa hư cấu.
Những cuốn sách của cô bao gồm Highway Kind (2016) và Girl Pictures (2018)
Chiếc máy ảnh đầu tiên cô sử dụng: Nikon F2
Đối với cô, điều gì đến trước: ý tưởng cho dự án hay những tấm ảnh đơn khơi gợi nên một ý niệm?
Những sản phẩm của tôi là quá trình sáng tạo, suy nghĩ, rồi sau đó làm lại - một quy trình khám phá những mong ước không được nhận thức rõ ràng, những điều mà tôi thậm chí không biết mình đang nghĩ về.
Cùng lúc, tôi xây dựng mối quan hệ với chủ thể và hình thức mà giúp tôi nghĩ ra các cách tiếp cận mới. Nhưng ý niệm và cách thực hiện luôn đan xen với nhau và cùng xảy đến.
Những yếu tố thiết yếu mà cô đặt ra khi tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh?
Tôi quan tâm nhất tới cảm xúc. Tôi hi vọng rằng những tấm ảnh của mình sẽ tạo nên sợi dây cảm xúc và cảm giác thuộc về.
Poison Ivy, 1999 © Justine Kurland
Ý tưởng cho tác phẩm có quan trọng đối với cô không? Nó có chức năng gì trong mối quan hệ với việc tạo nên các tấm ảnh đơn tốt?
Tôi hình dung về một tác phẩm hoàn chỉnh là series bao gồm những bức ảnh đơn tốt. Thi thoảng, chúng nối tiếp nhau theo một thứ tự logic, và đôi khi, chúng không liên quan. Một chuỗi những tấm ảnh tạo thành một chòm sao, nơi khoảng cách giữa chúng có tầm quan trọng như từng bức hình.
Cô có cái mà người ta gọi là "phong cách nhiếp ảnh" không?
Phong cách là một từ dễ đánh lừa. Nó là điều gì đó bạn có thể có hoặc không. Giới phê bình nhận diện phong cách của tôi là nhiếp ảnh của một cô gái học Đại học Yale, nhưng người bạn thơ ấu hiểu rõ về tôi hơn nói rằng phong cách của tôi là vết ố cà phê.
Vậy phong cách của ông là dựa vào trực giác hay là công thức của trí tuệ?
Khi còn là một nghệ sĩ trẻ, tôi dàn dựng cho những bức ảnh của mình, nhưng cuối cùng, tôi cảm thấy hứng thú hơn với những cơ hội, những diễn biến xảy đến tự nhiên. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn coi những bức ảnh có khả năng kể chuyện.
Chiếc máy ảnh 4 x 5 đi kèm tripod và một chủ thể gần như đứng yên. Vì thế, dù tôi có chụp theo trực giác cỡ nào, chúng sẽ luôn luôn có tính dàn dựng.
Giả sử rằng cô chụp dựa vào tiếng nói tự nhiên xuất phát từ bản thân, đã bao giờ cô ước rằng giọng nói đó đổi khác đi?
Tôi không tin vào sự tự nhiên, đặc biệt là với nhiếp ảnh. Một trong những đặc tính nổi bật nhất của nhiếp ảnh là cách nó tự nhiên hoá những gì nó cho là sự thật. Tôi tin vào những gì được nuôi dưỡng hơn là tự nhiên.
Tôi vừa yêu vừa từ chối giọng nói bên trong mình.
Có bao giờ cô xem lại một series đã từng triển lãm hoặc công bố rồi biên tập lại?
Tôi vừa làm xong, lần đầu tiên.
Tôi triển lãm toàn bộ bản in của series đầu tiên mà nhờ nó tôi được mọi người biết tới, Girl Pictures. Vào thời điểm đó, chúng được xem là những bức ảnh kể chuyện được dàn dựng nhưng hiện tại, họ xem đó là tiếng nói chính trị của nữ quyền và cảm xúc về đồng tính.
Cô có sáng tạo với sự trình bày, sắp xếp sẵn trong tâm trí, giống như ở phòng tranh hay trong một quyển sách?
Tôi in những tấm hình nhỏ và xáo chúng lên. Đây là lần cuối tôi làm một cách riêng tư và đó là niềm vinh hạnh của tôi. Tôi gặp thử thách từ triển lãm và khi làm sách nhưng có sự trợ giúp từ bạn bè, nhà biên tập và những người làm tại phòng tranh.
Gregory Halpern
© Gregory Halpern
Gregory Halpern sinh năm 1977 tại Buffalo, New York. Anh thực hiện công việc chủ yếu qua sách ảnh, xây dựng hàng loạt chuỗi hình ảnh đẹp đẽ, mạnh mẽ và đầy thách thức.
Cuốn sách ZZYZX (Mack, 2016) đã thắng giải Paris Photo-Aperture PhotoBook của năm và quyển sách mới Omaha Sketchbook (Mack, 2019) là thành quả của 15 năm làm việc tại Nebraska, một nghiên cứu về sự nam tính của Hoa Kỳ.
Halpern là phó giáo sư tại Học viện Công nghệ Rochester và là thành viên đề cử của hãng ảnh Magnum Photos.
Chiếc máy ảnh đầu tiên
Tôi không nhớ chiếc máy ảnh đầu tiên của mình nhưng tôi biết rằng nó là một chiếc camera khá tệ, có giá khoảng $30. Tôi nhớ rằng mình cực kì yêu nó mặc dù sau đó, tôi đã rất buồn khi nó bị trộm từ ngăn đựng găng tay của bố.
Đối với anh, điều gì đến trước: ý tưởng cho dự án hay những tấm ảnh đơn khơi gợi nên một ý niệm?
Nó có thể bắt đầu bằng một ý tưởng, nhưng thi thoảng, đơn giản đó chỉ là linh cảm. Hoặc là một hình ảnh hoặc chuỗi nhỏ hình ảnh. Một khi tôi bắt đầu hiểu điều gì sẽ tạo nên thành phẩm, tôi có thể thu hẹp giới hạn tầm nhìn, hoặc "chất liệu", hoặc bất cứ điều gì nằm trong phạm vi của "dự án". Về chất liệu, tôi muốn cho phép bản thân mình được thoải mái, kể cả khi nó bất thường.
Những yếu tố thiết yếu mà anh đặt ra khi tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh?
Tôi muốn một hình thức mạnh mẽ nhưng thoải mái, một quỹ đạo rối loạn nhưng hấp dẫn. Tôi cũng muốn hướng tới một vẻ đẹp thách thức, có nghĩa là bỏ đi những bức ảnh trông dễ nhìn.
Tôi thích cảm giác vừa phản cảm lại vừa hấp dẫn, vừa bất ổn lại vừa yên tâm. Ý tưởng là để dẫn đường cho người xem nhưng cũng là để cho họ đủ không gian thưởng thức trí thông minh của mình như một người đọc thị giác.
Không đề, từ ZZYZX, 2017 © Gregory Halpern
Ý tưởng cho tác phẩm có quan trọng đối với anh không? Nó có chức năng gì trong mối quan hệ với việc tạo nên các tấm ảnh đơn tốt?
Hành vi chụp ảnh thường là có trực giác hoặc không có ý thức nhưng hai yếu tố này là kết quả của trí thông minh và một cái đầu tỉnh táo. Đó là vòng tuần hoàn của nhận xét tích cực - nhìn vào những tấm contact sheets cung cấp cho cái đầu tỉnh táo những thông tin mà những gì vô thức bị hấp dẫn bởi.
Anh có cái mà người ta gọi là "phong cách nhiếp ảnh" không?
Tôi không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào!
Giả sử rằng anh chụp dựa vào tiếng nói tự nhiên xuất phát từ bản thân, đã bao giờ anh ước rằng giọng nói đó đổi khác đi?
Tôi có. Và có những lúc tôi ước rằng có một sự thay đổi về thẩm mỹ hoặc ý niệm xảy đến nhưng với tôi, thật là thiếu tôn trọng nếu như ép buộc điều này. Một mặt, bạn cảm thấy yên tâm khi làm việc với tiếng nói tự nhiên; mặt khác, bạn không muốn cảm thấy rằng mình đang lặp lại chính bản thân mình.
Anh có sáng tạo với sự trình bày, sắp xếp sẵn trong tâm trí, giống như ở phòng tranh hay trong một quyển sách?
Tôi thường có xu hướng nghĩ về hình thức một quyển sách. Một show diễn tốt có thể là một trải nghiệm tuyệt vời nhưng tôi yêu thích các cuốn sách hơn. Một bức tường lớn và một không gian trắng lớn quả là thách thức đối với tôi, một phần bởi các sự lựa chọn không có giới hạn.
Thêm vào đó, những trải nghiệm của tôi trong các phòng trưng bày thường bị che khuất bởi rất nhiều thứ khác - sự bán công khai của không gian, bầu không khí giả tạo hoặc bị cô lập, hay lời nhắc nhở rằng phòng tranh chỉ mở ra cho những giới siêu giàu.
Nếu như sở hữu một cuốn sách, bạn có thể trải nghiệm tầm nhìn của nghệ sĩ bất cứ khi nào bạn muốn, ở không gian thoải mái tại nhà mình. Và tôi thích giới hạn dưới hình thức của quyển sách - một kích thước được đặt ra, thứ tự,....
Một cuốn sách là một sự trình bày hoàn thiện và bối cảnh hoá về tầm nhìn của người nghệ sĩ, và tôi yêu tính trực diện và dân chủ của cuộc trao đổi đó, từ tâm trí của nghệ sĩ tới trực tiếp trên bàn tay mình.
LaToya Ruby Frazier
© Ảnh thuộc về nghệ sĩ và Gavin Brown's Enterprise, New York/Rome. Chụp bởi Steve Benisty
LaToya Ruby Frazier sinh năm 1982 tại Braddock, một thị trấn tại phía đông ngoại ô Pittsburgh, Pennsylvania. Braddock chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự suy thoái kinh tế và xã hội. Thị trấn và con người nơi đây là chủ đề cuốn sách của cô The Notion of Family (Aperture, 2014).
Frazier tiếp tục đề cập tới vấn đề bất bình đẳng xã hội và sự bất cập về môi trường trong các dự án ảnh của mình, Cô là phó giáo sư nhiếp ảnh tại Học viện Mỹ thuật Chicago.
Chiếc máy ảnh đầu tiên cô sử dụng: Nikon FM10.
Những yếu tố thiết yếu đại diện cho cô khi cô thực hiện dự án ảnh?
Là một giáo viên, tôi dạy tất cả mọi thứ. Ý niệm, những chất lượng tiêu chuẩn, kỹ thuật và thẩm mỹ. Tất cả những yếu tố này phải củng cố nội dụng và chủ đề. Tôi đặt ra câu hỏi: dự án này có liên hệ thế nào tới lịch sử nhiếp ảnh và lịch sử nghệ thuật? Đó là những mối quan tâm hàng đầu.
Theo đó, có một loạt các thể loại khác: cá nhân, chính trị, kinh tế và xã hội. Tôi dạy sinh viên cách biến những mối quan tâm cá nhân thành công việc. Cần phải hỏi rằng: Những ý định này đã đủ rõ ràng chưa?
Nó phụ thuộc vào cá nhân nghệ sĩ để quyết định rằng cần đặt bao nhiêu quan tâm cho từng vấn đề nhất định.